“Bí thuật” làm giàu từ khoản nợ thẻ tín dụng của Triệu phú Mỹ: Tuyệt kỹ vay mượn của người giàu

Trước khi đạt tự do tài chính và trở thành triệu phú USD, người đàn ông 41 tuổi ở Mỹ từng sống phụ thuộc vào thẻ tín dụng, tiết kiệm từng đồng khi phát triển công ty.

Theo CNBC, khi ông Jeremy Schneider tốt nghiệp đại học vào năm 2002, phong trào “tự do tài chính”, “nghỉ hưu sớm” vẫn chưa rầm rộ. Nhưng bạn bè cùng trang trang lứa của ông cũng đã tìm cách nghỉ hưu trước khi bước sang tuổi 65.

Trong thời kỳ bùng nổ dotcom, ông Schneider đã chứng kiến những người trẻ, chỉ lớn hơn ông vài tuổi, kiếm được hàng triệu USD nhờ các công ty khởi nghiệp công nghệ.

Ông Schneider chưa từng nghe về “tự do tài chính”, nhưng đã nghe đến việc “bán một công ty Internet, kiếm thật nhiều tiền và ổn định tài chính”.

Đó chính xác là những gì mà ông đã làm. Năm 2004, ông Schneider thành lập RentLinx, một mạng lưới quảng cáo nhà cho thuê. 11 năm sau đó, ông bán công ty và thu về khoảng 2 triệu USD.

Ông nghỉ công việc toàn thời gian của mình không lâu sau đó. Tuy nhiên, dù ổn định về tài chính, ông Schneider vẫn đam mê công việc. Giờ, người đàn ông 41 tuổi sống ở San Diego, sở hữu khối tài sản ròng trị giá 4,4 triệu USD và mở một công ty nhỏ chuyên bán các khóa học trực tuyến về tài chính.

Ông Jeremy Schneider nắm giữ khối tài sản ròng trị giá 4,4 triệu USD. Ảnh: The Personal Finance Club.

Sống nhờ thẻ tín dụng

Ông Schneider đã quyết định đánh cược vào bản thân sau khi tốt nghiệp đại học. Thay vì làm nhân viên hợp đồng ở Microsoft với thu nhập 74.000 USD/năm, ông tự thành lập công ty riêng của mình.

“Tôi thích tự thành lập công ty riêng. Ở đó, nếu tôi làm việc chăm chỉ gấp 10, tôi sẽ kiếm về hơn 10-100 lần”, ông chia sẻ.

Nhờ học bổng và sự hỗ trợ từ cha mẹ, ông Schneider không có khoản nợ sinh viên nào sau khi tốt nghiệp. Ông thậm chí còn có khoảng 6.000 USD tiền tiết kiệm nhờ làm thêm vào mùa hè.

Trong năm đầu tiên, trang web của ông Schneider thu về 14.000 USD. Nhưng con số đó là không đủ để ông trang trải mọi chi phí.

“Tôi đã phải sống bằng thẻ tín dụng”, ông chia sẻ. “Khoản nợ thẻ tín dụng của tôi lên tới 10.000 USD vào năm đầu tiên, và 12.000 USD năm sau đó”, ông Schneider nói thêm.

Nhưng bước sang năm thứ 3, lợi nhuận của công ty bắt đầu tăng lên.

8 năm sau đó, ngay cả khi công ty đang phát triển tốt, ông Schneider vẫn duy trì lương của mình ở mức 36.000 USD/năm. “Tôi đã tiết kiệm nhất có thể trong thời gian điều hành công ty”, ông chia sẻ.

Dù thu nhập không cao, ông Schneider vẫn cố gắng tích góp 5.000-6.000 USD/năm vào quỹ hưu trí cá nhân. Đến năm 32 tuổi, ông đã có 120.000 USD trong tài khoản, bao gồm cả lãi đầu tư.

Ông Schneider đã hoàn thành mục tiêu sau khi bán công ty vào năm 2015 với mức giá 5 triệu USD. Với 70% cổ phần tại công ty thời điểm đó, ông thu về khoảng 2 triệu USD sau thuế.

Dù đã bán công ty, ông Schneider vẫn làm việc cho công ty cũ thêm 2 năm với mức lương 6 chữ số. Nhưng ông nhận ra lợi nhuận trong danh mục đầu tư thậm chí còn cao hơn tiền lương

“Đà tăng trưởng của thị trường giúp 2 triệu USD của tôi tăng lên 3 triệu USD. Tôi nhận ra rằng mình không còn phải làm việc nữa”, ông Schneider chia sẻ.

Theo “nguyên tắc 4%”, hàng năm, một người về hưu có thể rút 4% từ danh mục đầu tư của mình và không sợ hết tiền. Như vậy, ông Schneider có 120.000 USD để chi tiêu mỗi năm, gấp đôi so với mức chi tiêu bình thường của ông.

“Tự do tài chính”, “nghỉ hưu sớm” đã trở thành mục tiêu của nhiều người trẻ. Ảnh: Reuters.

Trở lại với công việc

Năm đầu tiên sau khi nghỉ việc vào năm 2017, ông Schneider dành thời gian để chơi điện tử và đi du lịch. Nhưng ông nhanh chóng thấy chán.

“Năm tháng trôi qua, tôi nhận ra cuộc sống thiếu một điều gì đó. Dường như đó là sự căng thẳng. Tôi đã không hướng tới một mục tiêu hay sự tiến bộ nào. Và tôi bắt đầu thấy trống rỗng”, ông chia sẻ.

Đến năm 2019, ông Schneider tạo một tài khoản Instagram, chia sẻ mẹo kiếm tiền và lời khuyên tài chính. Ông nhanh chóng tìm thấy niềm vui từ công việc mới.

Vào giữa năm 2020, tài khoản của ông đã tăng lên 90.000 người theo dõi. Ông Schneider cũng nhận thấy nhiều người trong số họ có những câu hỏi về tài chính giống nhau.

Do đó, ông bắt đầu mở khóa học với giá 79 USD và kiếm về 110.000 USD trong vỏn vẹn một tuần sau khi ra mắt.

“Công ty đầu tiên của tôi đã mất 4 năm để kiếm được 110.000 USD. Vì thế, đây có thể là một công việc kinh doanh thực sự”, ông chia sẻ.

Kể từ tháng 10/2020, thời điểm bắt đầu tạo ra doanh thu đến nay, The Personal Finance Club – công ty của ông – đã mang về khoảng 1 triệu USD. Ông Schneider và hai nhân viên của mình kiếm được 70.000 USD/năm cùng với các khoản thu nhập khác và thưởng lợi nhuận.

Theo Zingnews